Ngày 15-7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản số”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho biết, thời gian qua có thể nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của tài sản số, nhất là những tài sản dựa trên công nghệ. Điều này đang đặt ra những vấn đề mới chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, thuế và yêu cầu quản lý dành cho các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia.

leftcenterrightdel

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển phát biểu khai mạc hội thảo

Trước thực trạng trên, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đã lựa chọn đề tài “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài sản số trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về tài sản số, tạo môi trường công bằng, minh bạch để khai thác các giá trị của tài số, từ đó có cơ chế khuyến khích phát triển sáng tạo, đổi mới công nghệ, tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để Việt Nam có cơ hội theo kịp các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Theo thông tin từ hội thảo, tài sản số được hình thành trên nền tảng công nghệ số, có một số đặc tính cơ bản như: Tồn tại dưới định dạng file kỹ thuật số trên môi trường điện tử, được hình thành thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, được xác thực thông qua mã hóa, được điều chỉnh bởi nguyên tắc đồng thuận.

Tài sản số tăng trưởng nhanh chóng thời gian gần đây, tuy nhiên hiện nay chưa có luật nào quy định cụ thể về tài sản số, vì vậy việc nghiên cứu xây dựng chính sách pháp luật để quản lý, kiểm soát rủi ro về tài sản số là cần thiết. Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, khách mời đã thảo luận, đưa ra những ý kiến về thực trạng, những hạn chế trong việc quản lý tài sản số hiện nay, đồng thời đề xuất những giải pháp về chính sách để quản lý, giảm thiểu rủi ro về tài sản số.

leftcenterrightdel

Quang cảnh hội thảo.

Về vấn đề quản lý tài sản số, tài sản mã hóa, TS Lê Thị Hoàng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp nhận định, tài sản mã hóa là sản phẩm, kết quả đầu tư, trí tuệ, sức lao động của con người để phục vụ cho nhu cầu cụ thể nào đó, có thể được thừa nhận giá trị trong cộng đồng người sử dụng. Về bản chất, tài sản mã hóa phản ánh một giá trị cũng tương tự như một tài sản truyền thống khác. Theo TS Lê Thị Hoàng Thanh, tài sản mã hóa cần được coi là tài sản. Cần nghiên cứu, xây dựng pháp luật để quản lý đối với các loại hình tài sản mới do cuộc Cách mạng công nghiệp này tạo ra.

Tuy nhiên, TS Lê Thị Hoàng Thanh lưu ý, đây là những vấn đề rất mới và khó, chúng ta chỉ đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này, các công nghệ sẽ tiếp tục phát triển nhanh và khó lường, ngay cả các quốc gia phát triển cũng chưa có giải pháp hoàn hảo để quản lý các công nghệ này. Vì vậy, hiện tại chưa thể đề xuất ngay những giải pháp toàn diện cho các vấn đề này. Chúng ta chỉ có thể tiếp cận theo hướng vừa theo dõi chặt chẽ sự phát triển của công nghệ, thị trường vừa tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các bên liên quan (doanh nghiệp, người tiêu dùng…) để đưa ra giải pháp chính sách phù hợp.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan. 

Tin, ảnh: HOÀNG CHUNG