Chuyển đổi số báo chí thế nào để giữ chân bạn đọc, thu hút và phát triển doanh thu quảng cáo là vấn đề đặt ra đối với mỗi cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử hiên nay. Trong bối cảnh hiện nay, bạn đọc đang có xu hướng tìm đến các nền tảng số trên mạng internet, báo chí bắt buộc phải chuyển đổi theo.

Lấy bạn đọc làm trung tâm

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Đổi mới mô hình kinh doanh báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số” trong khuôn khổ Chương trình đào tạo “Chuyển đổi số báo chí” do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Google tổ chức, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số báo chí, coi trọng lượng view là một sai lầm. Những tin tức giật gân có lượt xem cao, nhưng độc giả cũng chỉ lướt qua rất nhanh. Do đó, "time on site" - thời gian bạn đọc ở lại trang có thể đo lường sự lưu tâm của độc giả, chất lượng của bài báo và từ đó cũng cho thấy lượng độc giả trung thành. Để làm được việc này, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần khuyến khích phóng viên tập trung vào những nội dung có chiều sâu, thay vì chạy theo tin tức giật gân hay theo trend (xu hướng) trên mạng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus cũng chia sẻ, điều quan trọng nhất với một cơ quan báo chí hiện nay là cần “giữ chân” được lượng độc giả trung thành. Một trong những giải pháp là thu thập dữ liệu, nghiên cứu và phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu của độc giả, lên kế hoạch xây dựng chiến lược nội dung và phát triển sản phẩm phù hợp, từ đó phục vụ độc giả tốt hơn.

leftcenterrightdel
Chuyển đổi số của một số cơ quan báo chí lớn theo hướng phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực/ Ảnh minh họa/congluan.vn. 

Theo ông Nguyễn Lộc Vũ, Phụ trách công nghệ Báo điện tử VnExpress, việc thu hút độc giả trở lại cần đi kèm với giữ được lượng độc giả hiện nay, trong đó lượng độc giả trung thành cần được quan tâm nhất. Để có được lượng độc giả trung thành, ngoài yếu tố chất lượng nội dung, công nghệ sẽ hỗ trợ để nội dung có thể phát huy hiệu quả tốt nhất. VnExpress đã đầu tư công nghệ, công cụ thu thập dữ liệu độc giả để biết được độc giả quan tâm nội dung gì, từ đó có chiến lược chuyển đổi phù hợp…

Chia sẻ kinh nghiệm của VnExpress trong đầu tư công nghệ, ông Nguyễn Lộc Vũ cho biết công nghệ hỗ trợ tòa soạn trong xây dựng chiến lược xuất bản (thông qua công cụ thu thập dữ liệu độc giả để biết được độc giả quan tâm nội dung gì, từ đó có chiến lược chuyển đổi phù hợp…). Bên cạnh đó, công nghệ tăng cường sự gắn kết của độc giả với tờ báo, giúp độc giả dễ tiếp cận thông tin hơn; đồng thời giúp các phóng viên có nhiều thời gian để làm những công việc nghiêng về sáng tạo hơn, từ đó có những nội dung chất lượng giúp thu hút quảng cáo…

Chuyên gia báo chí Trương Trí Vĩnh, nguyên Giám đốc điều hành CafeF khẳng định, quá trình xây dựng một chiến lược kinh doanh cho mỗi tờ báo không chỉ trả lời câu chuyện làm thế nào bán được quảng cáo hay kiếm được tiền, mà cần quay trở lại với câu chuyện rất căn cốt của người kinh doanh, đó là sản xuất cái gì, bán ở đâu, bán cho ai, giải quyết các vấn đề thị trường, chi phí… Về việc xây dựng văn hóa "Lấy độc giả làm trung tâm" trong mỗi cơ quan báo chí thông qua xác định nhu cầu của độc giả bằng cách tìm hiểu độc giả, đổi mới bằng cách nghiên cứu độc giả theo dõi, thử nghiệm ý tưởng để đáp ứng nhu cầu độc giả.

Tăng doanh thu từ đâu?

Hiện nay, phần lớn các cơ quan báo chí phụ thuộc vào hai nguồn thu chủ yếu là quảng cáo và phát hành, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu. Về vấn đề này, ông Káp Thành Long, Phó tổng biên tập Tạp chí Tri thức trực tuyến cho rằng, một tờ báo chất lượng, có nội dung chất lượng thì chắc chắn sẽ có quảng cáo chất lượng. Tôi cho rằng, thà kiếm doanh thu ít từ thương hiệu tốt, còn hơn kiếm nhiều tiền từ những thương hiệu kém chất lượng, vì quảng cáo ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín tờ báo và niềm tin của độc giả.

Còn theo chuyên gia báo chí Trương Trí Vĩnh, vấn đề chính của một tờ báo không phải là doanh thu, mà là độc giả, có độc giả sẽ có doanh thu. Khách hàng của tờ báo là độc giả hay người mua quảng cáo? Câu trả lời là khách hàng phải là độc giả. Người làm chiến lược cần trả lời câu hỏi phân khúc độc giả này là ai; họ xem tức tin gì, như thế nào và khi nào; họ cần thông tin gì và không cần thông tin gì.

Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đang khai thác tối đa nguồn thu về nội dung số như: Thu từ việc bán bản quyền cho các trang tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng OTT…; từ quảng cáo trực tiếp và gián tiếp thông qua các doanh nghiệp, đại lý, các công ty công nghệ; từ sự kiện truyền thông, ưu tiên trên các nền tảng số.

Nhiều chuyên gia đều đồng tình, nhóm chuyên nội dung số nên ưu tiên những nội dung có nhiều bạn đọc trên báo điện tử và các kênh báo chí trên nền tảng số; đầu tư sản xuất những nội dung riêng, khác biệt, chất lượng cao, không nhất thiết phải chạy đua về số lượng để tránh lãng phí thông tin. Đồng thời để tăng số lượng công chúng, các cơ quan báo chí cần xác định đối tượng người dùng chính và xây dựng hồ sơ người dùng thực tế trên cơ sở dữ liệu thu thập được thường xuyên. Báo chí nên phân loại khách hàng để quản lý, chăm sóc khách hàng, đặc biệt là khách hàng trung thành.

leftcenterrightdel
Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tác nghiệp tại Họp báo Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN 

Theo báo cáo của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức Thế giới (WAN-IFRA) cho thấy trong khi lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số, từ độc giả số đang tăng thì lợi nhuận từ quảng cáo truyền thống lẫn khu vực phát hành báo in tiếp tục giảm sâu. Theo thống kê của hai đơn vị tư vấn thị trường là "We are social và Kepios", tổng giá trị của thị trường quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ lên tới 812 triệu USD, tăng trưởng tới 22% so với năm trước đó.

Theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn quốc tế các tạp chí (FIPP), việc quảng cáo trúng đích có giá trị cao hơn các vị trí quảng cáo, trong khi việc phân tích các tệp độc giả mà mình nắm giữ chính là cách để báo chí phân phối những quảng cáo đi tới đúng đối tượng mà nhãn hàng quan tâm. FIPP cho rằng các cơ quan báo chí mạnh về công nghệ thì có lợi thế để gia tăng được lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số.

Về giải pháp, Phó tổng biên tập Báo VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ: Sử dụng những công cụ hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm giữ chân và phát triển độc giả trung thành có thể giúp báo chí tăng lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số, đồng thời bước vào lĩnh vực mới là thu phí bạn đọc. Cả WAN-IFRA, Viện nghiên cứu báo chí Reuters lẫn FIPP đều coi đây mới là nguồn thu mang tính bền vững của báo chí.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu chủ yếu đến năm 2025, theo dự thảo chiến lược, là 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí...

Cũng đến năm 2025, 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân.

Bên cạnh đó, phát triển 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia và cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện địa phương tự xây dựng nền tảng phân phối nội dung riêng, làm chủ quyền kiểm soát và phân phối nội dung trên không gian mạng, giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới; các cơ quan báo chí khác sử dụng nền tảng trong nước để phân phối nội dung trên không gian mạng...

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, dự thảo chiến lược đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật; tái cơ cấu tổ chức và quy trình tác nghiệp của các cơ quan báo chí; phát triển dữ liệu số ngành báo chí; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

VĂN PHONG