Nhân dịp bà Antoinette M. Sayeh, Phó tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sang thăm Việt Nam, ngày 10-1, IMF phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Lễ công bố Báo cáo của IMF về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở châu Á để thúc đẩy năng suất”.

Có gần 300 đại biểu đến từ các cơ quan quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, UNDP, các đại sứ quán tại Việt Nam; các cơ quan trung ương, các Viện nghiên cứu, trường đại học... tham dự sự kiện.

Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo của IMF, GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Trong nền kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và thông tin được coi là tư liệu sản xuất chủ yếu để tạo ra của cải cho xã hội. Trường đại học có sứ mệnh là nơi cung cấp tri thức khoa học và công nghệ, nơi sáng tạo và phát triển, truyền bá tri thức. Đổi mới sáng tạo là quá trình biến tri thức khoa học và công nghệ thành tiền. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy hầu hết các đổi mới công nghệ quan trọng đều bắt nguồn từ các trường đại học, chuyển giao thông qua các hoạt động chia sẻ tri thức, nghiên cứu và phát triển”.

leftcenterrightdel
Bà Antoinette M. Sayeh, Phó tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế giới thiệu về báo cáo.

Việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu Covid-19 đã trở thành yêu cầu trong chính sách toàn cầu. Đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống.

Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều sáng chế thực hiện những nỗ lực trong sáng tạo đổi mới, nhưng tăng trưởng năng suất trong khu vực vẫn ở mức chậm, thậm chí thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh. Một yếu tố then chốt lý giải cho sự thiếu kết nối trên chính là sự tách rời giữa tăng trưởng năng suất, quá trình đổi mới sáng tạo và số hóa.

Báo cáo của IMF có một số mục tiêu chính, bao gồm: Xem xét bối cảnh đổi mới sáng tạo trong khu vực; sử dụng dữ liệu cấp doanh nghiệp cho châu Á tiên tiến và đang phát triển để điều tra vai trò của đổi mới và số hóa đối với tăng trưởng năng suất và sự phân tán của nó giữa các doanh nghiệp, đồng thời xác định các yếu tố cản trở đổi mới và công nghệ phổ biến; thảo luận về các công cụ chính sách có thể được sử dụng để thu hẹp khoảng cách đổi mới và năng suất, đồng thời thúc đẩy năng suất tổng hợp.

Báo cáo của IMF cũng giúp hiểu rõ đổi mới và số hóa có thể thúc đẩy năng suất như thế nào ở châu Á tiên tiến và đang phát triển, đồng thời nêu bật các cơ chế và chính sách cần thiết cho tăng trưởng dựa trên đổi mới.

Theo các đại biểu, thúc đẩy năng suất lao động ở châu Á cần một cú hích từ số hóa, trong đó cần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các quốc gia để cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ và thông tin; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà sáng chế giới thiệu các sản phẩm mới.

Tin, ảnh: KHÁNH HÀ