Chuyển đổi số bắt đầu từ chuyển đổi tư duy
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi. Chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị "đào thải", cần chủ động thay đổi, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ.
Trong khuôn khổ chương trình đào tạo “Chuyển đổi số báo chí” do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Google tổ chức, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết vấn đề chuyển đổi số báo chí được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ phải chuyển đổi thế nào và bắt nguồn từ đâu.
Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, ở thời điểm hiện tại, vai trò của công nghệ là điều không thể phủ nhận. Báo chí không thể phát triển được nếu không có công nghệ song hành, đặc biệt trong một thế giới “Digital First” luôn thay đổi một cách nhanh chóng.
Các phóng viên tổ chức sản xuất ngay tại hiện trường. Ảnh: qdnd.vn. |
Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Quốc Minh, chuyển đổi số không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo. Trong một cơ quan báo chí, nếu người lãnh đạo có tư duy về chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công đã được 60%. Nếu lan tỏa tư duy chuyển đổi số đến mọi ngóc ngách, hoạt động trong tòa soạn thì sẽ có thể chuyển đổi số thành công. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số không phân biệt tờ báo lớn hay tờ báo nhỏ. Một tờ báo nhỏ nếu có chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, giữ chân được lượng độc giả trung thành và duy trì được nội dung cung cấp cho độc giả thì khả năng chuyển đổi số thành công sẽ cao hơn các tờ báo lớn không có chiến lược đúng đắn.
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, cùng với chuyển đổi nội dung, chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên…
Mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên áp dụng máy móc theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh thì mới có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả. Tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy doanh thu cũng như quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên nắm bắt xu thế độc giả và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp.
"Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Nhưng dù đang trong kỷ nguyên số, các tòa soạn vẫn phải luôn ghi nhớ những giá trị cơ bản của báo chí. Tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng trong mỗi bài viết là những giá trị vô cùng quan trọng và giờ đây càng quan trọng hơn bao giờ hết" đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư công nghệ, ông Nguyễn Lộc Vũ, phụ trách công nghệ Báo điện tử VnExpress cho rằng, việc thu hút độc giả trở lại cần phải đi kèm với giữ lại được lượng độc giả hiện nay, trong đó, lượng độc giả trung thành cần được quan tâm nhất. Để có được lượng độc giả trung thành, ngoài yếu tố chất lượng nội dung, công nghệ sẽ hỗ trợ để nội dung có thể phát huy hiệu quả tốt nhất.
Đưa ra lời khuyên cho việc sử dụng, khai thác công nghệ trong tòa soạn báo chí ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Quản lý Hợp tác Chiến lược ngành Tin tức và Xuất bản của Google tại Đông Nam Á cho rằng các cơ quan báo chí nên tối ưu hóa những tài nguyên mình đang có, bắt đầu từ những thứ đơn giản, nhưng phải có chiến lược cho tương lai dài hạn.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho rằng các cơ quan báo chí cần có một lực lượng công nghệ, kỹ thuật nhất định. Bên cạnh xây dựng một đội ngũ công nghệ chuyên nghiệp, cũng cần hướng dẫn kỹ năng tối thiểu về mặt công nghệ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ báo chí
Về những giải pháp hỗ trợ báo chí chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Là cơ quan quản lý báo chí truyền thông cũng như công nghệ thông tin, ngay từ sớm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra nhiều giải pháp. Điển hình như việc Bộ đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, theo đó hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số: Nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.
Mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau. Ảnh: qdnd.vn. |
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mục tiêu chung của dự thảo chiến lược là: Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Dự thảo Chiến lược cũng xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ báo chí chuyển đổi số thành công.
Định hướng chuyển đổi số trong cơ quan báo chí có hai mảng rõ ràng. Một là quản trị nội bộ với những hoạt động hàng ngày, văn bản, giấy tờ giao việc, quản trị nhân sự… mảng này tách biệt và khá ổn định, mức đầu tư cũng không lớn. Mảng thứ hai là chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý phổ biến và lưu trữ nội dung, đòi hỏi đầu tư rất lớn. Trong chương trình chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng đã có định hướng cụ thể trong vấn đề liên quan đến nền tảng cho việc sản xuất, quản lý phổ biến nội dung. Đến khi Đề án chiến lược này được thông qua, cơ quan quản lý sẽ bắt tay vào làm theo hướng chủ trương xây dựng các nền tảng lớn để đảm bảo sự độc lập chủ quyền trên không gian mạng.
Đầu tư ban đầu cho không gian mạng cần cơ quan nhà nước vào cuộc. Theo đó, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng những nền tảng chuyển đổi số lớn dùng chung, đặc biệt là các nền tảng lớn cho một số cơ quan báo chí chủ lực, các cơ quan báo chí khác được hưởng thụ trên nền tảng đó. Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung vào hỗ trợ các cơ quan báo chí, cùng các đơn vị để đưa ra các nền tảng dùng chung, từ đó các cơ quan báo chí sẽ có phát triển theo hướng riêng mà vẫn đảm bảo đúng định hướng...Các cơ quan báo chí chủ lực cần xây dựng đề án chuyển đổi số để được hỗ trợ kinh phí đầu tư nền tảng.
VĂN PHONG