Dự án Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ (CNTT-NN) giai đoạn 2 của Trường Sĩ quan Thông tin vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng. Trung tâm hứa hẹn sẽ là nơi góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CNTT trình độ cao, nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cho quân đội và xã hội.

Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và ngoại ngữ

Trung tâm CNTT-NN được thành lập từ tháng 3-2015. Đây là kết quả cụ thể hóa bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ ký năm 2014. Quá trình xây dựng trung tâm được triển khai qua 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 được xây dựng với tổng vốn hơn 18 tỷ đồng, với gần 6 tỷ đồng là nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ấn Độ, giúp xây dựng 2 phòng Lab hiện đại (gồm 1 phòng kiểm tra tiếng Anh, 1 phòng phục vụ đào tạo về mạng máy tính và an toàn thông tin); công trình được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 4-2015.


Các đại biểu tham quan trung tâm tại lễ Khánh thành.

Đại tá, PGS, TS. Lê Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin cho biết, những năm qua, trung tâm đã đào tạo, bồi dưỡng cho hàng chục ngàn học viên là cán bộ, nhân viên trong quân đội cũng như học sinh, sinh viên, công chức trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, khu vực Nam Trung Bộ. Trong quân đội, đối với lĩnh vực CNTT, trung tâm đã đào tạo, bồi dưỡng cho 7.183 lượt học viên là quân nhân. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản và nâng cao cho 6.903 quân nhân; đào tạo 2 lớp về khoa học dữ liệu và an ninh mạng; tập huấn, nâng cao trình độ CNTT cho 150 cán bộ làm công tác dân quân tự vệ toàn quốc. Đối với nhiệm vụ đào tạo nhân lực ngoại ngữ, trung tâm đào tạo 58 lớp, 1.134 học viên tiếng Anh các cấp độ cho cán bộ toàn quân theo chỉ tiêu của Bộ Quốc phòng.

Đối với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho xã hội, trung tâm đã đào tạo 28 lớp với 760 học viên các cấp độ lĩnh vực CNTT; đào tạo, bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ CNTT cơ bản, nâng cao cho 10.116 học viên là công chức, viên chức, sinh viên, học sinh trên địa bàn và khu vực. Lĩnh vực ngoại ngữ, đã đào tạo 400 học viên tiếng Anh cho học sinh, sinh viên trên địa bàn; đào tạo và bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng Anh trình độ A cho 670 học viên, trình độ B cho 547 học viên; tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ IELTS, TOEIC cho 2.140 thí sinh; tổ chức đào tạo 4 khóa với 16 lớp, 320 học viên tiếng Nhật...

Bên cạnh đó, trung tâm đã hoàn thành nghiên cứu phát triển 42 sản phẩm phần cứng và phần mềm bảo đảm chất lượng và tiến độ; tiếp nhận và tổ chức tốt hoạt động của hai chuyên gia Ấn Độ theo đúng thỏa thuận hai nước đã ký kết, đạt hiệu quả thiết thực. Hiện tại, trung tâm đã ký kết thỏa thuận và đang triển khai xúc tiến hợp tác với hơn 20 đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Đại tá, PGS, TS. Lê Xuân Hùng cho biết, với năng lực hoạt động không ngừng được nâng cao và khẳng định được chất lượng đào tạo, tháng 6-2018, Trung tâm CNTT-NN được phê duyệt đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với định hướng phát triển trở thành Công viên sáng tạo Quân đội.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân thăm, làm việc tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ.

Đến nay, trung tâm đã hoàn thành các hạng mục xây dựng, tạo thành chỉnh thể khu Công viên sáng tạo Quân đội mang tầm khu vực và quốc tế. Trung tâm có đầy đủ năng lực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CNTT trình độ cao, nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cho quân đội và xã hội. Trong đó, tòa nhà B là công trình cấp III được xây dựng cao 6 tầng, gồm khu văn phòng, hội thảo và khu ở học viên; khu đào tạo; khu Trung tâm Dữ liệu (Data Center) và các công trình phụ trợ khác. Tòa nhà có diện tích sàn 7.148m2, tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách quốc phòng. Tòa nhà A và C cao 6 tầng, tổng diện tích sàn lần lượt là 7.356m2 và 7.468m2, cùng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước 210 tỷ đồng và ngân sách quốc phòng 30 tỷ đồng).

Trung tâm được trang bị hệ thống phòng học chuyên dùng hiện đại với đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm cho dạy học, nghiên cứu khoa học, gồm 18 phòng học ngoại ngữ chuyên dụng và 2 phòng dành cho đánh giá chuẩn tiếng Anh quốc tế; 37 phòng máy tính dành cho đào tạo CNTT và nghiên cứu chuyển giao công nghệ; 5 phòng thi CNTT, 2 phòng thi ngoại ngữ đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, trung tâm được trang bị các phòng chức năng như: 2 phòng hội nghị với sức chứa 300 chỗ ngồi; 1 phòng trưng bày sản phẩm; 1 thư viện hiện đại; lắp đặt hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại do Chính phủ Ấn độ tài trợ với kinh phí hơn 5 triệu USD...


Các hoạt động đào tạo, hội thảo được tổ chức tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ.

Đặc biệt, Trung tâm Dữ liệu (Data Center) tại trung tâm được xây dựng theo chuẩn Tier 3, có khả năng cung cấp dịch vụ phục vụ cho nhiệm vụ chuyển đổi số trong và ngoài quân đội, với khả năng kiểm soát và bảo đảm an toàn thông tin; hệ thống mạng sử dụng công nghệ tiên tiến, năng lực xử lý cao, cổng Internet đảm bảo đường truyền Internet trong nước và quốc tế thông suốt, có băng thông rộng, tốc độ truy cập cao; trung tâm dữ liệu dự phòng được nâng cao tính sẵn sàng và giảm thiểu thời gian gián đoạn dịch vụ cho hệ thống, được bố trí thành 2 khu vực hoạt động độc lập là khu vực Data Center quân sự và khu vực Data Center dân sự...

Theo hiệu trưởng nhà trường, Trung tâm CNTT-NN giai đoạn 2 được xây dựng hoàn thành, đi vào sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Trường Sĩ quan Thông tin và Binh chủng Thông tin liên lạc. Công trình sẽ là trung tâm trọng điểm của khu vực miền Trung và cả nước trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực CNTT-NN; nghiên cứu phát triển, sản xuất phần mềm ứng dụng, sản phẩm CNTT, điện tử viễn thông tiên tiến, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh cũng như nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu của thị trường quốc tế.