2023 ghi dấu nhiều cột mốc về ngoại giao, diện mạo hạ tầng đất nước đổi thay nhưng nền kinh tế phải đương đầu thử thách cộng hưởng từ dư âm Covid, cuộc chiến chống tham nhũng trong nước và bất ổn địa chính trị toàn cầu.

Đối ngoại nâng tầm vị thế Việt Nam

Các chuyến công du của lãnh đạo Việt Nam tới nhiều quốc gia khắp các châu lục sôi động suốt năm qua, trong đó có những đối tác quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chiều ngược lại, nhiều nguyên thủ quốc gia đã thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời trà Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội

Sự kiện gần nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12-13/12. Hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai.

Ba tháng trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10-11/9, hai nước xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược trở lên với 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Văn phòng Trung ương Đảng 

Việt Nam đến nay đã thiết lập quan hệ với 193 nước, trong đó có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với trên 30 quốc gia, là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, cũng như đã ký 16 hiệp định thương mại tự do.

Kết quả đối ngoại năm qua "có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước", tạo nên vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá.

Những điểm sáng đối ngoại giúp Việt Nam được nâng tầm, trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế - an ninh khu vực.

Bầu Chủ tịch nước giữa nhiệm kỳ

Giữa tháng 1, Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi Trung ương đồng ý để ông thôi các chức vụ theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Phúc rời ghế Chủ tịch nước ở tuổi 69, sau gần hai năm đảm nhiệm cương vị này. Ông là Chủ tịch nước đầu tiên xin nghỉ giữa nhiệm kỳ, kể từ năm 1976. Trước khi làm Chủ tịch nước hồi tháng 4/2021, ông Phúc có một nhiệm kỳ làm Thủ tướng từ 2016 đến 2021, được Trung ương đánh giá có thành tích trong điều hành công tác phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.


Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên thệ

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước trong khoảng 1,5 tháng. Đến ngày 2/3, kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa 15 bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

53 tuổi, quê xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, ông Thưởng là Chủ tịch nước trẻ tuổi nhất giữ chức vụ này. Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết lúc 36 tuổi; Ủy viên Trung ương ba khóa liên tiếp 11, 12, 13; đại biểu Quốc hội ba khóa 12, 14, 15; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13.

Gần 10 tháng trên cương vị Chủ tịch nước, ông Thưởng đã có hàng loạt chuyến công du nước ngoài và đón tiếp khoảng 10 lãnh đạo các nước tới Việt Nam.

Xuất khẩu rau quả, gạo lập đỉnh

Trong bối cảnh xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn, rau quả và gạo lại có một năm bùng nổ.

Nhiều nước, trong đó, đặc biệt là Trung Quốc tăng nhập, giúp xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục và vượt xa kỳ vọng ban đầu "cả năm 4 tỷ USD". Đây cũng là lần đầu nhóm rau quả dẫn đầu ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn.

Sầu riêng đóng góp vào sức tăng trưởng lớn nhất cho nhóm này, chiếm 40% kim ngạch. Sầu riêng Việt đang chiếm thị phần lớn thứ hai tại Trung Quốc (sau Thái Lan) với kim ngạch 1,9 tỷ USD, tăng hơn 31 lần so với cùng kỳ 10 tháng 2022. Mít, dưa dấu, bưởi, nhãn cũng có mức tăng trưởng 50-200% so với năm ngoái.


Nông dân thị xã Cai Lậy, Tiền Giang thu hoạch sầu riêng trong đợt giá tăng cao, khoảng 135.000-145.000 đồng mỗi kg

Với gạo, 11 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,7 triệu tấn lúa giá trị hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 36% so với năm ngoái - là con số kỷ lục từ trước đến nay. Việt Nam đã có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao, và đang từng bước xây dựng chuỗi lúa gạo. Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới vừa qua, hạt gạo Việt đã vượt qua các đối thủ để giành vị trí số 1.

Nhóm nông sản có một năm tăng trưởng ấn tượng, đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17% so với năm ngoái. 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Giá xuất khẩu bình quân của một số nông sản chính như cà phê, gạo, tăng hai con số.

GDP các quý tăng trưởng thấp nhất 10 năm

Không tính các năm xuất hiện Covid-19, năm nay, tăng trưởng của các quý đều thấp nhất giai đoạn 2011-2023. GDP quý I và quý II chỉ cao hơn cùng kỳ 2020, mức đáy giai đoạn 13 năm; còn quý III cao hơn cùng kỳ 2020, 2021.

Nhu cầu bên ngoài yếu khiến ngành công nghiệp, dịch vụ, việc làm, tiêu dùng phục hồi chậm. 11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm hơn 8% so với cùng kỳ.

Bên trong, sức cạnh tranh, chống chịu của nền kinh tế hạn chế. Cơn khủng hoảng bất động sản, trái phiếu kéo dài khiến thị trường thêm khó khăn. Nhiều doanh nghiệp kiệt sức vì đói vốn, thiếu đơn hàng, thủ tục hành chính phức tạp, có doanh nghiệp lớn thậm chí phải bán mình, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 158.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ 2022. Như vậy, bình quân mỗi tháng, thị trường mất đi 14.400 doanh nghiệp.

Chính phủ liên tục tháo gỡ bằng các chính sách giảm thuế, phí, khơi thông tín dụng... Tuy nhiên, khó khăn kép khiến GDP cả năm, theo dự kiến, chỉ đạt trên 5%, thấp hơn mức Quốc hội giao. Với kết quả GDP chỉ tăng trên 5%, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao nhưng nguy cơ mất vị trí tăng trưởng hàng đầu khu vực, theo tính toán của ADB, IMF.

Để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ vẫn kiên định với các giải pháp tập trung thúc đẩy 3 động lực chính gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Miền Bắc thiếu điện

Tháng 5, đầu tháng 6, lần đầu sau hơn 10 năm, miền Bắc rơi vào cảnh thiếu điện. Nhiều nhà máy dừng sản xuất, lao động nghỉ làm luân phiên. Điện sinh hoạt bị cắt trên diện rộng giữa thời điểm oi bức nhất của mùa hè, cuộc sống người dân đảo lộn.


Thủy điện Lai Châu (tỉnh Lai Châu) ở thượng nguồn sông Đà ngừng hoạt động do hồ xuống dưới mực nước chết - mực nước không đủ để chạy máy phát điện

Ngân hàng Thế giới tính toán phí tổn kinh tế của các đợt mất điện khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.

Một trong hai nguồn cung điện chính cho miền Bắc là thủy điện hồi tháng 5 sụt giảm vì hạn hán. Một số tổ máy của nhiệt điện than, chiếm 48% cơ cấu nguồn điện tại miền Bắc, cũng gặp sự cố dài ngày do phải huy động công suất lớn, liên tục.

Việc phát triển các nguồn điện mới cho phía Bắc chậm hơn nhu cầu tiêu thụ. Miền Bắc tăng nhu cầu dùng điện với tốc độ bình quân trên 9% mỗi năm nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ bằng một nửa.

Từ nay đến năm 2030, cung ứng điện cho miền Bắc vẫn rất khó khăn. Các tháng 5-7 hàng năm tiềm ẩn nguy cơ không đủ điện. Tình trạng thiếu điện có thể tái diễn vào 2025, theo EVN.

Bệnh viện cạn kiệt vật tư, hóa chất

Tình trạng thiếu vật tư, hóa chất điều trị kéo dài từ giữa năm trước đến năm nay ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động khám chữa bệnh và quyền lợi bệnh nhân.

Hồi tháng 3, lần đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hạn chế phẫu thuật và chỉ ưu tiên trường hợp cấp cứu. Hai bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy phải gửi bệnh nhân đến nơi khác chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh.

Bác sĩ phải tìm cách "chữa cháy", sử dụng thuốc thay thế, tìm nhiều biện pháp chưa được ghi nhận trong các phác đồ để cứu bệnh nhân. Nhiều bệnh viện vay mượn thuốc lẫn nhau. Bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi ra ngoài viện mua thuốc, vật tư trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả.

Bộ Y tế cho rằng thiếu vật tư, hóa chất điều trị chủ yếu do vướng mắc pháp lý và tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương trong mua sắm, đấu thầu. Tâm lý e ngại, sợ sai xuất hiện sau hàng loạt các sai phạm đấu thầu, mua sắm trong đại dịch Covid-19 bị phanh phui, khởi tố mà điển hình là vụ Việt Á. Chính phủ đã phải ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 để tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu và đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế.

Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực ngày 1/1/2024 được kỳ vọng giải quyết triệt để tình trạng này.

Phơi bày số tiền tham nhũng lớn chưa từng có

Kết luận điều tra hàng loạt đại án đã phơi bày cơ chế "ăn chia" và số tiền nhận hối lộ lớn giữa nhiều quan chức và doanh nghiệp.

Riêng hai đại án xảy ra trong Covid-19, Việt Á và "chuyến bay giải cứu", đã có 3 cựu ủy viên Trung ương và 49 cán bộ tại nhiều bộ, ngành bị phát hiện sai phạm, hầu hết ở tội Nhận hối lộ, tổng tiền bị cáo buộc lên tới 271 tỷ đồng. Trong đó, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận 2,25 triệu USD (55 tỷ đồng); cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng 21,5 tỷ đồng; Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, nhận 42,6 tỷ qua 253 lần.


Dòng tiền hối lộ từ doanh nghiệp đến cán bộ, quan chức của nhiều bộ, ngành trong vụ án "Chuyến bay giải cứu". 

Cuối năm, khi cáo trạng vụ án Vạn Thịnh Phát được ban hành, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, bị xác định nhận số tiền hối lộ "lớn nhất từ trước tới nay" với 5,2 triệu USD (126 tỷ đồng). 100% thành viên đoàn thanh tra liên ngành năm 2017-2018 tại Vạn Thịnh Phát nhận tiền, quà để bao che sai phạm.

Các đại án còn phơi bày cách thức "ăn chia" ngày càng công khai, trắng trợn. 201 trong 515 lần đưa hối lộ tại vụ án "chuyến bay giải cứu" được chuyển khoản dưới danh nghĩa "vay mượn", "quà biếu". Còn tiền mặt được đưa ở phòng làm việc, quán cà phê, trong ôtô. Nhiều người đưa hối lộ khai bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của văn hóa phong bì, chấp nhận luật ngầm để được việc.

Khủng hoảng đăng kiểm

Bốn tháng đầu năm 2023, đăng kiểm đối mặt với khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử 30 năm hoạt động. Đỉnh điểm tháng 3, cả nước có 62 trong tổng số 281 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa khi công an mở rộng điều tra sai phạm. Gần 500 người bị khởi tố, hàng loạt đăng kiểm viên xin thôi việc hoặc nghỉ ốm.

Hà Nội còn 6/31 trung tâm đăng kiểm mở cửa, năng lực kiểm định còn 14%. TP HCM duy trì 10/19 trung tâm, đáp ứng 49% nhu cầu. Các trung tâm còn lại hoạt động hết công suất cũng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu kiểm định.

Hệ thống thống kiểm định đứt gãy, ôtô phải xếp hàng dài 2-3 km trước các trạm đăng kiểm tại nhiều tỉnh thành. Hàng nghìn doanh nghiệp đình trệ sản xuất vì xe vận tải chở hàng hóa phải nằm bãi, không thể đăng kiểm.


Tình trạng khủng hoảng đăng kiểm ở TP HCM và Hà Nội hồi đầu năm

Toàn lực lượng đăng kiểm giao thông, công an, quân đội phải tăng ca, thêm giờ. Khủng hoảng chỉ được tháo gỡ khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư số 2/2023 cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ôtô mới và kéo dài chu kỳ kiểm định với xe gia đình, xe con cá nhân.

56 người chết trong vụ cháy chung cư mini

56 người thiệt mạng, 37 người bị thương trong vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đêm 12 rạng sáng 13/9. Đây là vụ cháy có số người thương vong lớn nhất 21 năm qua.

Căn nhà 10 tầng xây quá phép 4 tầng, vi phạm hàng loạt quy định phòng cháy, chữa cháy. Chủ chung cư bị bắt. Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến giới chức ngay lập tức tiến hành kiểm tra phòng cháy, chữa cháy toàn quốc.


Vụ cháy chung cư Khương Hạ.

Vụ cháy lớn nhất hai thập kỷ bộc lộ nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý chung cư mini, loại hình nhà ở vốn chưa từng được gọi tên trong các văn bản pháp luật nhưng đang giải quyết nhu cầu cư trú cho hàng triệu người. Câu hỏi quản hay cấm chung cư mini được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội khi sửa đổi Luật Nhà ở hồi cuối tháng 10.

Quốc hội sau đó thông qua luật sửa đổi, siết quy định đầu tư xây dựng chung cư mini.

Kỷ lục xây đường cao tốc

Năm qua đánh dấu chuyển biến lớn của Việt Nam trong phát triển hệ thống cao tốc khi các dự án hoàn thành và khởi công mới nhiều nhất hơn một thập kỷ, kể từ tuyến đầu tiên TP HCM - Trung Lương hoàn thành năm 2010.

Bất chấp hai năm đại dịch cùng khó khăn kinh tế, giá nguyên vật liệu tăng cao, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017-2020) vẫn bám tiến độ. 8 đoạn trên trục đường này với tổng chiều dài hơn 430 km cùng 40 km thuộc tuyến Tuyên Quang - Phú Thọ được đưa vào sử dụng năm 2023 giúp mạng lưới cao tốc cả nước tăng lên hơn 2.000 km, đạt 66% kế hoạch phát triển cao tốc đến năm 2025.

Hệ thống cao tốc mới giúp nối liền vùng miền, giảm tải các quốc lộ hiện hữu và mở ra không gian phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương.


Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là 1 trong 9 cao tốc hoàn thành trong năm 2023

9 Dự án cao tốc hoàn thành năm 2023:
- Truyên Quang - Phú Thọ
- QL45 - Nghi Sơn
- Mai Sơn - QL45
- Nghi Sơn - Diễn Châu
- Phan Thiết - Vĩnh Hảo
- Nha Trang - Cam Lâm
- Mỹ Thuận - Cần Thơ
- Dầu giây - Phan thiết
- Cầu Mỹ thuận 2

Cùng với đó, đồng loạt các cao tốc lớn được khởi công, gồm 12 đoạn thành phần tuyến Bắc - Nam (giai đoạn 2021-2025), dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 TP HCM. Tổng chiều dài các tuyến là hơn 1.270 km, vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026 và 2027.

Đến 2030, cả nước sẽ có hơn 5.000 km cao tốc đường bộ và tăng lên 9.000 km vào năm 2050. Kết quả này góp phần hoàn thiện hành lang vận tải trục Bắc - Nam, thêm động lực cho bốn vùng kinh tế trọng điểm là Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh.